Câu chuyện cuối tuần: Sinh ra, mỗi người một sứ mệnh

Cạnh nhà tôi có một hàng bánh cuốn nổi tiếng nhất nhì Hà Nội. Cái sự nổi tiếng đến mấy chục năm của quán bánh cuốn này gắn liền với chị chủ của quán bánh đó, mà nói đúng hơn là gắn liền với cái sự…ngồi lỳ đến độ đáng khâm phục của chị.

Dễ đến gần ba chục năm rồi, mỗi khi đi qua quán bánh cuốn đó, tôi luôn thấy chị chủ quán ngồi bên bếp tráng bánh. Hình ảnh đó tôi đã thấy từ khi chị còn là một người con gái trẻ trung. Tới nay, khi chị đã lên bà nội bà ngoại, tôi vẫn thấy chị ngồi đó, miệt mài tráng từng chiếc bánh cứ như nó luôn là chiếc bánh đầu tiên trong đời chị vậy.

Đã nhiều lúc tôi tự hỏi: làm thế nào mà chị có thể ngồi gần như một tư thế trong điều kiện không lấy gì làm dễ chịu như vậy đến mấy chục năm? Vì tiền ư? Có thể. Nhưng khi quán của chị đã nổi tiếng rồi thì sao chị không thuê người khác ngồi tráng thay chị để đỡ vất vả? Ngược lại, tôi vẫn thấy chị ngồi đó và vẫn luôn thấy một niềm vui trên khuôn mặt chị khi ngồi tráng bánh.

Rồi tôi tự giải thích: có lẽ, mỗi người sinh ra trên cõi đời này đều mang theo một sứ mệnh nào đó và cả đời người ta sẽ thực hiện cái sứ mệnh đó. “Sứ mệnh” không có nghĩa phải là cái gì to tát, mà là bất cứ một cái gì, từ nhỏ như việc tráng cái bánh cuốn cho đến việc lớn như cai trị một đất nước.

Đến một ngày nào đó, khi chị về với tổ tiên thì người ta sẽ không tổng kết là trong mấy mươi năm ngồi tráng bánh cuốn chị đã kiếm được bao nhiêu tiền, mà người ta sẽ chỉ nhớ là mấy mươi năm chị ngồi đó để mang miếng bánh cuốn nóng đến cho bao người. Vậy thì phải chăng, tráng bánh cuốn phục vụ con người là Sứ Mệnh của chị, nghĩa là chị sinh ra trên đời này để thực hiện sứ mệnh đó?

Theo cách hiểu tương tự, ta sẽ thấy phải chăng sứ mệnh của Steve Jobs là mang cuộc cách mạng mang tên iPhone, iPad đến cho nhân loại? Sứ mệnh của Trịnh Công Sơn là cống hiến cho xã hội hàng trăm bài hát trữ tình bất hủ?

Từ đó, ta suy ra là từ ông vua, đến các vị tướng, các nhà làm chính trị, các nhà khoa học, các nhà thơ, nhà văn, rồi các vị sư, các vị linh mục,…dường như mỗi người đang thực hiện sứ mệnh của mình.

Đừng nghĩ là phải là “ai đó” thì mới gánh sứ mệnh, mà theo tôi, bất cứ ai sinh ra trên đời này đều có một sứ mệnh cả. Có người mang sứ mệnh rất giản dị, ví dụ như chăm sóc những đứa trè tật nguyền, hay chăm sóc cho một giống cây khỏi bị tuyệt giống. Hay có những người mang những sứ mệnh rất khó giải thích như là phải…phá cho hết những của cải (phần lớn là của cải bất chính) ở trong gia đình mình (điều này chắc có người đã nghe hay thấy trong đời khi có những đứa con hình như sinh ra chỉ để phá cho đến hết tài sản và thậm chí là cả danh dự của bố mẹ).

Tôi luôn tin vào cái thuyết sứ mệnh này. Khi mình tin như vậy thì thấy mọi thứ nó nhẹ nhàng, tự nhiên. Khi đó mình sẽ không giải thích các hành vi hay việc làm của mình cũng như của người khác dựa trên những động cơ cụ thể nào đó, mà coi đó như sứ mệnh của mỗi người.

Cách tiếp cận như vậy sẽ giúp ta dể hiểu hơn rằng tại sao có những người đột nhiên giàu có, đột nhiên gánh vác những “việc lớn” – ta hiểu đó là sứ mệnh của họ. Và rồi ta cũng thấy có những ngôi sao tưởng như đang lên bỗng đột nhiên “tắt” như chúng ta vừa thấy xảy ra trong xã hội Việt Nam – ta hiểu nó “tắt” vì sứ mệnh của họ đến đó là “over”.

Điều cuối cùng tôi muốn nói là nếu các bạn tin rằng mỗi người chúng ta sinh ra trên thế gian này đều có một sứ mệnh thì hãy cố gắng hiểu sứ mệnh của mình và hiểu sứ mệnh của những người xung quanh. Đó cũng là một cách để sống hài hòa với đất trời, với con người vậy. Và cũng chính vì mỗi người 1 sứ mệnh nên bạn cũng đừng ghen tị với những người xung quanh, bởi lẽ, có thể sứ mệnh của bạn không to lớn, bạn chưa thấy sứ mệnh của bạn hay bạn cảm thấy mình kém cỏi hơn họ, nhưng hãy hiểu rằng, bản thân mỗi sứ mệnh đã là một điều gì đó vĩ đại, sứ mệnh chưa đến không bao giờ có nghĩa là nó không đến và sứ mệnh không nói lên ai kém ai giỏi, cách bạn thực hiện sứ mệnh mới nói lên điều đó.

Nguồn: Sưu tầm

Trả lời

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai. Các trường bắt buộc được đánh dấu *