4 Sự Thật Thú Vị Về Tết Trung Thu Có Thể Bạn Chưa Biết?

Hàng năm, cứ đến giữa mùa thu là dòng đời bộn bề của cuộc sống hiện đại lại dường như ngưng chảy trong đêm Trung Thu, khi cả gia đình quây quần bên mâm cỗ cúng gia tiên, cùng phá cỗ bánh nướng bánh dẻo. Nhưng có vẻ như ngày càng ít người nhớ tới những câu truyện, nửa thực nửa hư cấu bao năm qua đã luôn đi cùng tiếng trống cơm và ánh đèn lồng đêm trăng rằm tháng Tám.

Nhân dịp Trung Thu sắp tới đây, chúng ta hãy cùng điểm lại một số điểm thú vị tự cổ chí kim liên quan tới ngày tết trung thu truyền thống nhé!

1.  Bánh trung thu từng là phong thư trong chiến tranh

Những người còn nhớ  đến các tết Trung Thu cách đây hai mươi năm hay xa hơn nữa hẳn sẽ khó có thể nhận ra kiểu kinh doanh mua 1 tặng đến 2, 3 của các hãng bánh nướng bánh dẻo thời hiện đại. Nhưng ngay cả mô hình kinh doanh siêu chiết khấu kể trên hay các công cụ đặt bánh trung thu trực tuyến, giao bánh như pizza cũng không làm thay đổi công thức làm nhân bánh xưa cũ và cũng phổ biến nhất, hạt sen, đậu xanh và trứng muối. Bên cạnh xu hướng biến bánh trung thu thành các kỳ quan về nghệ thuật làm bánh với kích cỡ từ khổng lồ cho đến tí hon thì món bánh này cũng đang là nơi thử nghiệm các công thức Á Âu kết hợp , đơn cử là hai thương hiệu quốc tế như kem Haagen-Daz và cafe Starbucks. Điều ít người còn nhớ đến là vai trò rất đặc biệt của bánh trung thu trong lịch sử Trung Hoa. Tương truyền rằng cuối thế kỷ 14, những đạo quân kháng chiến của người Hán chống lại triều đình Nguyên Mông đã sử dụng bánh trung thu làm nơi cất giấu mật thư liên lạc,  rất lộ liễu mà lại hoàn toàn không bị nghi ngờ khi những chiếc bánh cổ truyền này được rao bán công khai khắp mọi nơi mỗi dịp thu về.

2. Vì sao Trung thu người ta lại ăn bưởi?

Nhất thiết phải có bưởi trong Tết Trung thu. Trong tiếng Hán, từ “bưởi” đồng âm với “Du Tử” nghĩa là những người phiêu bạt xa quê nhớ ngày này để đoàn viên gia đình; đồng âm với “Hựu” với nghĩa bình an vô sự; đồng âm với “Hữu Tử” để kỳ vọng sinh con quý tử.

3. Đèn lồng vẫn đang bị luật pháp cấm chơi tại Hồng Kông.

Từng được nhà văn Nguyễn Tuân dành hẳn một truyện trong tuyển tập “Vang bóng một thời” để mô tả về thú chơi tao nhã, tự làm đèn lồng, đèn kéo quân mỗi dịp trung thu của người Hà Nội xưa. Loại đồ chơi truyền thống, giản dị mà tinh tế này vẫn luôn là nét đẹp đặc trưng của Tết Trung Thu Việt Nam. Nhưng dù cho những người hoài cổ có than thở về cách chơi đèn trung thu ngày nay, thay khung tre và giấy màu thủ công bằng đồ nhựa, thay nến sáp và dây hạt bưởi khô bằng đèn LED thì mặt tích cực khó có thể phủ nhận là đèn lồng năm nay an toàn hơn xưa.

Chỉ cách đây ít lâu, người dân Hồng Kông từng có thói quen nghịch dại khi đùa với lửa trong đêm trung thu bằng cách tạt nước vào những chiếc đèn lồng đầy sáp nóng đang đang cháy. Từng bị gọi là “đốt nhà hợp pháp”, thú tiêu khiển với nến sáp đang cháy, vỏ hộp giấy đựng bánh và những người ưa đùa dai đã gây ra không ít trường hợp bỏng nặng. Chính quyền Hồng Kông đã phải đưa vào bộ luật hình sự của thành phố đảo này một quy định riêng, hiếm có –  cấm “tác động vào sáp nóng” nơi công cộng.

4. Ngay cả NASA cũng thuộc lòng sự tích Trung Thu

Là ngày tết truyền thống quan trọng thứ nhì, chỉ đứng sau tết Nguyên Đán tại Việt Nam, Trung Thu cũng có vị trí quan trọng trong đời sống truyền thống tại hai nền văn hoá gần gũi là Trung Quốc và Hàn Quốc. Giống như mọi câu truyện cổ tích xa xưa, tết Trung thu có nhiều nguồn gốc tương ứng với quá trình tam sao thất bản. Nhưng nguyên mẫu lâu đời nhất và được thừa nhận rộng rãi nhất chính là khởi nguồn từ truyền thuyết Trung Hoa về cặp vợ chồng huyền thoại, Hậu Nghệ và Hằng Nga. Nữ thần biểu tượng cho vẻ đẹp thanh khiết, dịu mát của mặt trăng đêm rằm chính là..ca quá liều nổi tiếng đầu tiên trong lịch sử khi nàng uống phải thang thuốc trường sinh của chồng  – món quà từ cõi tiên dành cho cung thần Hậu Nghệ, người đã  bắn hạ tới chín mặt trời. Tác dụng phụ của việc trở nên bất tử là Hằng Nga không thể ở lại dưới trần thế, chỉ có chú Cuội và thỏ ngọc làm bạn trên cung trăng lạnh lẽo. Vẻ quyến rũ của truyền thuyết Trung Hoa thậm chí đã khiến cho phi hành đoàn Apollo 11 phải hứa sẽ để mắt tìm kiếm cả người đẹp và chú thỏ trước khi đặt chân xuống mặt trăng năm 1969. Chi tiết thú vị này được vĩnh viễn in lại trong lịch sử và có thể tìm thấy trong nhật ký liên lạc của trung tâm điều khiển NASA với phi hành đoàn Apollo 11.

Thay cho ý nghĩa cổ kính của ngày tết thu hoạch vốn chỉ quan trọng với đời sống nông nghiệp xưa, tết trung thu ngày nay còn là dịp để chúng ta sum họp gia đình, tụ tập với đồng nghiệp hay gặp gỡ lại những bạn bè chúng ta lỡ sao nhãng vì cuộc sống hàng ngày nhiều bận rộn lo toan. Nhưng trên hết, đêm trung thu cũng là dịp để bản thân chúng ta tận hưởng lại những niềm vui đơn sơ, nho nhỏ tưởng như đã lãng quên từ lâu, ví như ngắm trăng rằm trong một đêm thu thanh mát.

Do đó, nếu như trong quãng thời gian qua chúng ta có bỏ lỡ những giây phút tụ họp bên người thân bè bạn thì đây chính là thời điểm thích hợp nhất để chúng ta cùng sum họp ấm áp để cùng ôn lại và tạo thêm những khoảnh khắc tươi đẹp trong cuộc đời mình.

Trả lời

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai. Các trường bắt buộc được đánh dấu *